GIỚI THIỆU

      Chúng tôi, những người thuộc nhóm Nghiên cứu Thể chế xin được gửi tới quý độc giả Dự án xây dựng Thể chế Dân chủ Việt Nam. Nhóm Nghiên cứu Thể chế là một nhóm học thuật, chúng tôi tập hợp nhau lại trên tinh thần nghiên cứu học thuật và tập trung vào nghiên cứu về thể chế dân chủ, đưa ra dự án nghiên cứu của nhóm. Hiện nay nhóm mới chỉ có 4-5 người, trong tương lai sẽ mở rộng, thu nạp thêm các thành viên, trên cơ sở đồng thuận về học thuật.

1 – Lý do việc đề xuất Dự án xây dựng Thể chế Dân chủ Việt Nam

– Qua tìm hiểu, phân tích và nghiên cứu tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam một thời gian khá dài, chúng tôi nhận thấy, Việt Nam sắp có sự thay đổi chế độ xã hội. Chính vì vậy, yêu cầu có những dự phóng, đề án, dự án về xây dựng thể chế dân chủ là một yêu cầu quan trọng và cấp thiết. Chúng tôi tập hợp nhau lại và xây dựng nên dự án này, ngõ hầu đáp ứng yêu cầu trên.

– Trải qua các nghiên cứu về phương thức tổ chức xã hội (xây dựng thể chế dân chủ), chúng tôi nhận thấy, có rất nhiều khiếm khuyết và lỗ hổng của bản thân các thể chế dân chủ hiện hành, và cách thức xây dựng thể chế hiện nay trên thế giới. Chúng tôi đã nghiên cứu và tìm ra một phương thức tổ chức và cách thức xây dựng thể chế dân chủ có thể khắc phục được những khiếm khuyết và thiếu sót đó. Chúng tôi mạnh dạn đưa dự án của nhóm để trình bày với giới khoa học, các tổ chức chính trị, đảng phái và toàn thể đồng bào, mong được sự góp ý, chỉ bảo và phản biện của quý độc giả trong và ngoài nước.

2 – Mục tiêu của nhóm Nghiên cứu Thể chế

a/ Mục tiêu cao nhất của nhóm Nghiên cứu Thể chế là đưa dự án này ra công luận để nhận được sự phản biện, góp ý và hoàn thiện dự án. Sau đó, nếu may mắn, dự án nhận được sự đồng thuận, được chấp nhận áp dụng vào việc xây dựng thể chế dân chủ ở Việt Nam chính là giấc mơ biến thành hiện thực của toàn thể nhóm chúng tôi.

b/ Nếu không hoặc chưa được áp dụng, chúng tôi cũng đã trình bày được một cách tiếp cận khác, một phương thức tổ chức xã hội có khác biệt với phương thức xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên toàn thế giới. Và mục tiêu phổ biến dự án của chúng tôi không chỉ bó hẹp trong trong phạm vi xây dựng thể chế dân chủ chỉ của Việt Nam mà là phương thức xây dựng thể chế dân chủ chung cho tất cả các quốc gia muốn có tự do, dân chủ. Đây là mục tiêu thiết thực nhất của chúng tôi.

c/ Mục tiêu cuối cùng, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc tìm hiểu cách thức xây dựng thể chế dân chủ, các định chế dân chủ và sự vận hành của các thành phần, lực lượng trong một thể chế dân chủ.

3 – Cách thức trình bày dự án

Chúng tôi trình bày dự án trên cơ sở nhận thức có ba nhóm độc giả:

Nhóm độc giả thứ nhất, những người đang tham gia vào phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, không có nhiều thời gian và kiến thức để đi sâu vào nghiên cứu lý luận. Đây là nhóm độc giả quan tâm nhiều tới thực tế, và sự vận động thực tế của xã hội (cũng là người có quan tâm vấn đề lý luận dân chủ, thể chế và có kiến thức, nhận thức nhất định). Chúng tôi trình bày dự án phục vụ chung cho ba nhóm đối tượng. Chính vì vậy, tinh thần chung của chúng tôi là trình bày ngắn gọn nhưng hệ thống, khái quát nhưng đầy đủ. Mục tiêu của chúng tôi là để độc giả hiểu rõ nội dung, cách thức xây dựng thể chế dân chủ và sự khác biệt trong dự án của chúng tôi với việc xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới  .

Nhóm độc giả thứ hai, đó là những người có nghiên cứu, quan tâm nhiều tới lý luận, muốn đi sâu vào các khía cạnh, lĩnh vực của thể chế dân chủ. Chúng tôi có mục Các định chế dân chủ, và mục các tài liệu liên quan. Những độc giả này có thể nghiên cứu sâu về các định chế dân chủ, tham khảo các tài liệu, bài viết liên quan tới các lĩnh vực họ quan tâm.

Nhóm độc giả thứ ba, muốn đi xa hơn nữa về lý luận, tìm về các tư tưởng khởi nguyên, gốc rễ hình thành tư tưởng về tự do, dân chủ, về chính trị, triết học…chúng tôi có mục sách tham khảo, sẽ giới thiệu sách kinh điển về tư tưởng dân chủ, và các lĩnh vực liên quan. Trong mục sách tham khảo này, thành viên của chúng tôi cũng sẽ có đóng góp một số cuốn sách quý tự viết, hoặc tự dịch.

4 – Kết cấu của Dự án

Dự án có ba phần, với các nội dung chính sau đây.

Phần I, chúng tôi trình bày một số khái niệm và nhận thức chung. Trong mục khái niệm, chúng tôi chỉ đi vào mấy khái niệm cốt lõi nhất. Mục nhận thức chung, chúng tôi trình bày sơ lược về những khiếm khuyết của các thể chế dân chủ hiện hành, đồng thời nêu lên những bổ sung, đóng góp trong các nghiên cứu của chúng tôi, và đó cũng là khác biệt trong dự án của chúng tôi trình bày.

Phần II, là dự án xây dựng thể chế dân chủ nói chung, có thể áp dụng cho mọi quốc gia.

Phần III, chúng tôi trình bày những đặc thù của Việt Nam, đặc biệt bối cảnh và những thách thức, trong quá trình chuẩn bị và xây dựng thể chế dân chủ.

Về cơ bản, nội dung xây dựng thể chế dân chủ nằm trong phần II của dự án.

5 – Tương tác  với các dự án khác và độc giả

      Khi đã đi vào hoạt động ổn định, chúng tôi sẽ lựa chọn một số dự án để trao đổi, phản biện dựa trên tinh thần dự án của chúng tôi. Nhóm Nghiên cứu Thể chế rất hân hạnh nếu có được sự chỉ bảo, góp ý, phản biện của tất cả các nhóm, dự án khác, cũng như độc giả.

      Tuy nhiên, vì đây là một dự án lớn, liên quan tới nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau, nên chúng tôi mong rằng sẽ nhận được sự góp ý, phản biện sau khi mọi người đã nghiên cứu đầy đủ về dự án của chúng tôi, và có cái nhìn tổng thể. Chúng tôi sẽ không tương tác với những góp ý hoặc phản biện khi mà chúng tôi nhận thấy những góp ý và phản biện đó của những người chưa nghiên cứu tổng thể về dự án, hoặc không có nền nhận thức để đánh giá một dự án./.

Nhóm Nghiên cứu Thể chế

Hà Nội, ngày 20/02/2017