TẠI SAO AI CẬP…? TẠI SAO DÂN CHỦ…?

TẠI SAO AI CẬP…? TẠI SAO DÂN CHỦ…?

      Nếu có một cuộc khảo sát đối với người dân Ai Cập hiện nay, theo các bạn, có bao nhiêu người dân Ai Cập biết và hiểu được: thế nào là tự do? Thế nào là dân chủ? Quyền con người của người dân là những quyền nào? Quyền dân sự của người dân là gì? Người dân tham gia xây dựng thể chế dân chủ như thế nào? Ai và cơ quan nào bảo vệ các quyền con người và quyền công dân? Làm cách nào để bảo vệ quyền công dân của mình?…vv..

     Các bạn có cho rằng, người dân (dân thường) là chủ thể xây dựng, thực thi, bảo vệ và được hưởng lợi ích của thể chế dân chủ hay không?

     Tổng hợp hai câu hỏi trên, các bạn có đồng ý rằng, có một lỗ hổng khổng lồ, một khiếm khuyết cốt tử trong việc xây dựng thể chế dân chủ không chỉ ở Ai Cập, mà cả ở các nước đã và đang thay đổi chế độ xã hội hay không?

     Chúng ta thử điểm lại các bước, và cách thức tiến hành xây dựng thể chế dân chủ ở các quốc gia thay đổi chế độ xã hội trong thời gian qua. Xây dựng Hiến pháp (thậm chí mời các chuyên gia, giáo sư hàng đầu thế giới để viết ra bản Hiến pháp); đăng ký các đảng phái hoạt động; ấn định lịch trình bầu cử; công bố và xin ý kiến người dân về dự thảo Hiến pháp…

     Thật ra, các bước và trình tự tiến hành xây dựng thể chế dân chủ ở các quốc gia như đã nêu ở trên chỉ là xây dựng cái “xác” của thể chế dân chủ. Đó là điều bắt buộc phải có, nhưng nó hoàn toàn không có giá trị (hoặc không có giá trị nhiều) nếu như thiếu đi phần “hồn” của chính nó.

     Vậy phần “hồn” của thể chế dân chủ là gì? Đó chính là sự tham gia xây dựng, thực thi và bảo vệ thể chế dân chủ của người dân, với hiểu biết đầy đủ về các vấn đề tự do, dân chủ.

     Như vậy, chúng ta cần có cách tiếp cận khác, một hệ thống nhận thức và phương pháp khác so với cách thức xây dựng thể chế dân chủ đang diễn ra hiện nay trên thế giới.

      Trong phạm vi của một bài báo, tôi trình bày suy nghĩ của mình về các bước tiến hành và xây dựng thể chế dân chủ đối với các quốc gia thay đổi từ các chế độ xã hội khác sang chế độ dân chủ. (những suy nghĩ này được rút ra chủ yếu từ tác phẩm Dân Chủ)

     Điều quan trọng nhất cho thành công của một thể chế dân chủ chính là nhận thức và sự tham gia của người dân vào việc xây dựng, thực thi và bảo vệ thể chế dân chủ. Tuy nhiên, nhận thức của người dân là một quá trình, không thể đòi hỏi họ có được ngay một sớm một chiều. Chính vì vậy, cần xây dựng một khung pháp lý, một cấu trúc mở (tức là cấu trúc cần hoàn thiện theo thời gian) để người dân ngay từ đầu có thể tham gia và hoàn thiện, cùng với những hiểu biết của mình theo thời gian. Một khung pháp lý, cấu trúc mở đó bao hàm các yếu tố quan trọng sau:

      – Một chế độ dân chủ tản quyền (thành lập các tiểu Bang và xây dựng nhà nước Liên bang). Tản quyền vừa bảo đảm truyền thống, đặc trưng khác nhau của từng vùng miền, vừa giảm thiếu tối đa xung đột đảng phái. Những phúc lợi của một chế độ dân chủ tản quyền còn đem tới sự phát triển đồng đều ở tất cả các khu vực; giảm thiểu tất cả các thủ tục hành chính của cơ chế tập trung; loại bỏ ảnh hưởng tiêu cực của giới quân nhân đối với sinh hoạt chính trị quốc gia…

      – Một chính quyền trung ương gọn nhẹ, thực hiện các chức năng tối thiểu để duy trì sinh hoạt quốc gia. Các chức năng chính yếu của nhà nước là đại diện quốc gia, duy trì đoàn kết dân tộc; xây dựng và duy trì lực lượng vũ trang (quân đội và cảnh sát); tòa án để giải quyết tranh chấp giữ con người với nhau. Và, một chức năng quan trọng khác là thúc đẩy, hổ trợ và tạo điều kiện cho tiến trình xây dựng và hoạt động của thể chế dân chủ ở cơ sở. Thẩm quyền của chính quyền địa phương (tiểu bang) là điều hành các vấn đề kinh tế, văn hóa và xã hội trong khuôn khổ pháp luật.

      – Xác định và xây dựng đơn vị dân chủ cơ sở. Điều quan trọng nhất trong cách thức tiến hành xây dựng thể chế dân chủ là, nó phải được diễn ra từ/ở đơn vị dân chủ cơ sở – là đơn vị địa lý, hành chính nhỏ nhất có thể xây dựng thể chế dân chủ – đồng thời được toàn thể người dân tham gia. Toàn bộ nội dung của dân chủ phải được thực hiện trên bình diện dân chủ cơ sở, và gắn chặt với cuộc sống của người dân. Chỉ có ở đây, người dân mới thực sự tham gia vào xây dựng hệ thống chính quyền, hệ thống luật cũng như cơ chế về tòa án nhân quyền để họ tự bảo vệ quyền con người của mình. Tất cả các hoạt động xây dựng thể chế dân chủ ở cấp cao hơn cấp cơ sở chỉ có mục đích mở đường, hỗ trợ và tạo điều kiện để bảo đảm yêu cầu cho việc xây dựng và hoạt động của thể chế dân chủ ở cơ sở. Thước đo quyền con người, mức độ dân chủ của quốc gia không phải bằng sinh hoạt chính trị dân chủ trên bình diện quốc gia mà bằng quyền con người, mức độ tham gia của người dân, khả năng tự bảo vệ quyền con người của người dân trong không gian sinh hoạt dân chủ cơ sở.

      – Xây dựng tòa án Nhân quyền các cấp. Đây chính là cơ chế bảo đảm khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân. Đây là yếu tố, là cơ chế quan trọng nhất của nội dung dân chủ, của thiết chế dân chủ, của phương thức tổ chức dân chủ. Đây là yếu tố cốt lõi, hạt nhân của cấu trúc tự hoàn thiện của bất kỳ nền dân chủ nào. Xây dựng được cơ chế này, thực hiện được nội dung này, nền dân chủ sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách và tự đi tới trạng thái hoàn thiện. Có hai nguyên nhân lý giải điều này:

     Thứ nhất, quyền con người là đối tượng luôn luôn bị xâm hại, bị vi phạm mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Sự vi phạm quyền con người là do:

      + Việc xây dựng hệ thống chính quyền và luật pháp, với mục đích bảo đảm và bảo vệ quyền con người, là quá trình phức tạp cần tìm tòi, trải nghiệm. Bản thân quá trình này cũng bao hàm trong nó sự vi phạm quyền con người.

      + Sự cám dỗ tự nhiên về quyền lực và lợi ích đối với cá nhân tham gia xây dựng các thiết chế dân chủ sẽ hàng ngày, hàng giờ đưa tới sự vi phạm quyền con người cả trên phạm vi cá nhân và tập thể.

      + Vấn đề tội phạm

     Vì vậy, việc bảo vệ quyền con người phải được đặt lên hàng đầu và phải có cơ chế để thực hiện việc bảo vệ đó.

      Thứ hai, không ai có thể bảo vệ quyền con người hiệu quả bằng chính bản thân cá nhân bảo vệ quyền con người cho mình. Đồng thời, tòa án Nhân quyền cũng là nơi tôn nghiêm và hiệu quả nhất để bảo vệ quyền con người, nhất là đối với những người nghèo và dân thường.

      – Xây dựng và phổ biến nhận thức cho mọi người về quyền con người, về tự do, dân chủ. Đây là yêu cầu bắt buộc, cần được thực hiện ngay và thực hiện liên tục. Trước hết, cần trang bị nhận thức về quyền con người, về tự do, về phương thức tổ chức xã hội bảo đảm tự do của con người (dân chủ) cho mọi người dân, mà ban đầu là tầng lớp tinh hoa, có ý chí để hiện thực hóa dân chủ. Lưu ý rằng, việc trang bị nhận thức trên cho mọi người dân là những người dân thường. Vì vậy, cần xây dựng kiến thức về tự do, dân chủ thật đơn giản, dễ hiểu và phải gắn với cuộc sống của người dân./.

      (Để có thể hiểu rõ hơn về toàn bộ những nội dung xây dựng thể chế dân chủ, quý vị và bạn đọc có thể tham khảo thêm trong cuốn sách Dân chủ của tôi).

Hà Nội, ngày 14/7/2013

Nguyễn Vũ Bình

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*