TOÀN CẦU HÓA

Phần I: Bản chất, nội dung của Toàn cầu hóa

     Trong thời gian vài ba chục năm trở lại đây, ở Việt Nam chúng ta xuất hiện thuật ngữ toàn cầu hóa. Mật độ xuất hiện thuật ngữ toàn cầu hóa ngày càng tăng theo thời gian. Sự giao lưu, giao thương của các quốc gia trên thế giới, và nhất là sự xuất hiện của hệ thống Internet toàn cầu càng làm nhu cầu tìm hiểu về vấn đề toàn cầu hóa tăng lên nhanh chóng. Đã có nhiều tác giả rất nổi tiếng trên thế giới khẳng định, thế giới hiện nay là thế giới phẳng, hàm ý là tiến trình toàn cầu hóa đã san phẳng các biên giới, các rào cản cho một sự thống nhất chung toàn thế giới, thế giới trở thành ngôi làng toàn cầu. Tuy nhiên, những xung đột quân sự gay gắt ở Trung Đông, Nga và Ucraina…và sự chia rẽ của Liên minh châu Âu đã phần nào làm giảm bớt sự lạc quan vào tiến trình toàn cầu hóa, tiến trình làm “phẳng” của thế giới.

     Vậy toàn cầu hóa là gì? vai trò và bản chất của toàn cầu hóa là gì? nội hàm và nội dung của toàn cầu hóa? con đường của toàn cầu hóa ra sao? đó là những câu hỏi rất cần thiết, để chúng ta tìm hiểu tiến trình vận động, liên kết của các quốc gia, cũng như của cả thế giới. Đã có rất nhiều sách báo viết về chủ đề toàn cầu hóa, các khía cạnh và cách tiếp cận khác nhau về toàn cầu hóa. Tuy nhiên, chưa có nhiều tài liệu có thể diễn giải một cách chính xác, ngắn gọn và đầy đủ về vấn đề phức tạp này.

     Toàn cầu hóa là tiến trình xây dựng không gian liên đới của con người hướng tới và hiện thực hóa những giá trị cao đẹp tự do, bình đẳng, bác ái trên phạm vi toàn cầuBản chất của toàn cầu hóa là sự mở rộng không gian tự do của con người trên toàn thế giới. Đây là tiến trình vĩ đại của loài người, là sự giao thoa giữa các nền văn hóa, sự kết nối và đan xen, hòa quyện của các tiến trình lớn của con người trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…Toàn cầu hóa cũng là điểm kết, đích đến của nhân loại, của xã hội loài người. Kết thúc tiến trình toàn cầu hóa, nhân loại bước sang một kỷ nguyên hoàn toàn mới trong lịch sử tồn tại của mình.

     Đặc điểm của toàn cầu hóa

     Toàn cầu hóa trước hết là tiến trình lịch sử tự nhiên của nhân loại. Điều này có nghĩa rằng, loài người sẽ đi tới (hay sự phát triển của con người, của lịch sử sẽ dẫn tới) một không gian liên đới chung của nhân loại. Các biên giới quốc gia sẽ bị xóa bỏ, mọi khác biệt sẽ bị xóa bỏ, nhân loại chia sẻ những giá trị chung và không gian liên đới chung. Toàn bộ sự phát triển của lịch sử xã hội loài người là sự chuẩn bị, là những bước đi và những nấc thang cần thiết để con người tiến tới xây dựng một xã hội chung của mình. Động lực thúc đẩy toàn bộ tiến trình toàn cầu hóa chính là khát khao tự do của con người, khát khao mở rộng tự do của con người trên phạm vi toàn cầu.

     Thứ hai, về mặt nhận thức, tiến trình toàn cầu hóa chính là tiến trình xác lập những giá trị chung của nhân loại. Đó chính là những giá trị cốt lõi như tự do, bình đẳng, bác ái. Từ những giá trị chung này, con người sẽ xây dựng không gian liên đới để chia sẻ và hiện thực hóa tự do của con người trên phạm vi toàn thế giới. Song song với việc xác lập các giá trị chung, con người còn chấp nhận và thừa nhận sự khác nhau và khác biệt của con người với tư cách cá nhân và tập thể. Cá nhân – là sự khác nhau về chủng tộc, hình thức, tính cách…; tập thể – sự khác nhau giữa các sắc tộc, tôn giáo, vùng, địa phương và quốc gia.

     Thứ ba, toàn cầu hóa là tiến trình đan xen, hợp tác giữa các quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…đó là sự hợp tác trên rất nhiều nội dung từ tự phát đến tự giác. Ban đầu là sự giao thương về hàng hóa, về kinh tế, kỹ thuật sau đó là văn hóa, xã hội, cuối cùng là lĩnh vực chính trị, kết nối tự do. Bởi toàn cầu hóa kết nối giữa các  nền kinh tế có trình độ khác nhau, các nền văn hóa có sự khác biệt rất lớn, và các thể chế chính trị khác nhau nên tiến trình toàn cầu hóa là tiến trình đan xen vô cùng phức tạp và sự kết nối đó đi từ tự phát tới tự giác. Chỉ khi nào xác định được cốt lõi của toàn cầu hóa, có cách thức chung để xây dựng thể chế chính trị phù hợp với mọi quốc gia và toàn cầu thì tiến trình toàn cầu hóa chuyển sang tự giác và được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.

     Những nội dung của toàn cầu hóa

     Toàn cầu hóa là sự kết hợp và cọ xát trên tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Sự đan xen và sự phức tạp, khúc khủy của tiến trình đôi khi che lấp các nội dung quan trọng. Đơn vị quan trọng cho sự hợp tác chính là các quốc gia. Tuy nhiên vì toàn cầu hóa bao hàm các lĩnh vực của đời sống con người nên vẫn có những lĩnh vực hợp tác và cọ xát bên ngoài biên giới các quốc gia, ví dụ vấn đề chủng tộc, hoặc tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng tựu trung lại, toàn cầu hóa bao gồm những nội dung quan trọng sau.

     1- Toàn cầu hóa về kinh tế – kỹ thuật. Đây là sự kết nối quan trọng, có tính chất mở đường cho toàn bộ tiến trình toàn cầu hóa. Sự kết nối về kinh tế – kỹ thuật có động cơ từ sự giao thương về hàng hóa, sự mở rộng thị trường và quan trọng nhất là động cơ về lợi nhuận. Mục tiêu hướng tới của sự kết nối kinh tế – kỹ thuật này chính là từng bước và cuối cùng xóa bỏ mọi rào cản để cho hàng hóa, nhân lực và tư bản (tiền, vốn) lưu thông tự do trên phạm vi toàn thế giới.

     2- Toàn cầu hóa về văn hóa, xã hội. Sự kết nối về văn hóa, xã hội chính là tiến trình hợp tác và cọ xát các giá trị văn hóa, tinh thần giữa các quốc gia, giữa các nền văn hóa, các nền văn minh. Tiến trình này sẽ xác lập các giá trị chung, cao đẹp mà nhân loại hướng tới, đồng thời cũng là quá trình để con người từng bước chấp nhận và thừa nhận sự khác biệt mang tính cá nhân, vùng miền cũng như quốc gia, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. Đó cũng chính là quá trình giao lưu và học hỏi giữa các quốc gia, các nền văn hóa.

     3- Toàn cầu hóa về chính trị, hay sự kêt nối tự do. Đây là đích đến cao nhất của toàn cầu hóa, con người được tự do ở mọi nơi trên hành tinh này. Thực hiện được sự kết nối tự do này, tiến trình toàn cầu hóa mới thực sự thành công và nhân loại sẽ bước sang một thời đại mới. Tiến trình toàn cầu hóa về chính trị, kết nối tự do này chính là tiến trình xây dựng thể chế dân chủ toàn cầu, được tiến hành với sự đồng thuận của tất cả các quốc gia, trên một nền tảng giá trị chung cao đẹp của nhân loại và được xây dụng bằng cùng một cơ chế, cách thức. Tiến trình này đòi hỏi sự tự giác của các quốc gia và toàn thể nhân loại.

     Một nội dung quan trọng của tiến trình toàn cầu hóa, đó là toàn cầu hóa về ngôn ngữ, hay việc xác lập một ngôn ngữ chung cho toàn thế giới. Đây là một nội dung không lớn nhưng vô cùng quan trọng, bởi vì sự giao lưu, kết nối của con người sẽ hiệu quả gấp bội phần nếu loài người cùng nói chung một ngôn ngữ. Một gợi ý là tìm trong số các ngôn ngữ quốc tế (quốc tế ngữ) hiện nay, ngôn ngữ nào đáp ứng được tiêu chuẩn dễ nói, dễ viết và dễ học, được chỉnh sửa và hoàn thiện bởi các nhà ngôn ngữ học trên thế giới, dùng làm ngôn ngữ chung trên toàn cầu. Điều này sẽ làm tăng tốc và thúc đẩy toàn bộ tiến trình toàn cầu hóa trong tương lai.

Phần II: Con đường của Toàn cầu hóa

    Để có thể hiểu được sự vĩ đại, những khó khăn và sự phức tạp của toàn cầu hóa, chúng ta cần có hình dung nhất định về trạng thái xã hội của nhân loại khi tiến trình toàn cầu hóa được hoàn tất. Để dễ hình dung, chúng ta lấy một hình ảnh ví dụ, đó là nước Mỹ ngày nay mở rộng không gian ra khắp toàn cầu. Điều đó có nghĩa là, con người được tự do ở khắp mọi nơi, có thể đến và đi, có thể định cư ở bất cứ nơi đâu trên quả địa cầu này. Nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở của con người được bảo đảm ở tất cả mọi nơi. Con người có thể làm bất cứ điều gì trong phạm vi pháp luật chung toàn cầu, dựa trên sự bảo đảm và bảo vệ tối đa quyền con người của mỗi một cá nhân. Khi đó, cả thế giới chỉ còn lại một nhà nước, các biên giới quốc gia bị xóa bỏ, mọi hận thù, phân biệt bị xóa bỏ, con người sống trong hòa hợp và yêu thương. Đó chính là thiên đường nơi hạ giới, hoàn toàn có thật và có thể xây dựng được.

     Đối chiếu viễn cảnh tươi đẹp khi hoàn tất tiến trình toàn cầu hóa với sự thật trần trụi của thế giới hiện nay, rất ít người có sự lạc quan vào tương lai của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, tiến trình lịch sử tự nhiên của con người, của nhân loại là đi tới trạng thái đó. Vấn đề là nhận thức được những khó khăn, thách thức và xây dựng được con đường đi của toàn cầu hóa sẽ quyết định tốc độ, thời gian và chất lượng của tiến trình vinh quang này. Có rất nhiều khó khăn, thách thức đối với tiến trình toàn cầu hóa, nhưng có hai thách thức cực lớn mà tiến trình toàn cầu hóa phải vượt qua.

     Trước hết, đó là sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia, sự khác biệt giữa các nền văn hóa, sự đan xen các thể chế chính trị dân chủ, chuyên chế, độc tài và cuối cùng là sự hận thù, chiến tranh giữa các quốc gia…về kinh tế, thế giới chia làm ba nhóm nước phát triển, đang phát triển và kém phát triển. Ba nhóm nước này có sự chênh lệch rất lớn về phương thức sản xuất và cả thu nhập, mức sống của người dân. Về văn hóa xã hội, một số nước vẫn đắm chìm trong các nền văn hóa thiếu sự khoan dung như Hồi giáo cực đoan, Nho giáo, Khổng giáo…Về thể chế chính trị, trong số trên 200 quốc gia thì chỉ có khoảng 150 nước có thể chế dân chủ, số nước còn lại là những nước độc tài, chuyên chế và toàn trị. Trong 150 nước có thể chế dân chủ, thì chỉ có chưa đầy 30 nước người dân thực sự có tự do, số còn lại, 120 nước chỉ có dân chủ trong tuyển cử. Nói tóm lại, về bản chất, số quốc gia và số người hiện nay được gọi là tự do còn quá ít so với số quốc gia và tổng số người trên toàn thế giới. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta cần xây dựng lại, chuẩn hóa lại thể chế chính trị dân chủ, để các quốc gia có thể bảo đảm không gian tự do cho con người, trước khi mở rộng, kết nối với các quốc gia khác, và toàn thế giới. Đó là quá trình kiến tạo tự do của con người trong phạm vi từng quốc gia.

     Thứ hai, tiến trình toàn cầu hóa, từ trước tới nay là một tiến trình tự phát. Chính vì tự phát mà các bước đi rất gian nan, quanh co và khúc khủy do chưa xác định được bản chất và con đường đi của toàn cầu hóa. Mặc dù tự phát, nhưng thế giới cũng đã có nhiều tổ chức, nhiều thiết chế, định chế là cơ sở và nền tảng cho tiến trình toàn cầu hóa. Ví dụ việc thành lập tổ chức Liên Hợp Quốc, các định chế tài chính quốc tế, Hiến chương Nhân quyền  Liên Hợp Quốc, Tòa án quốc tế…Trong thực tế, trên phạm vi toàn cầu, các tổ chức, các thiết chế và định chế thực hiện chức năng kết nối tự do. Việc xác định chức năng kết nối tự do, mở rộng không gian tự do của con người chính là xác định đúng bản chất của toàn cầu hóa. Từ đó sẽ xác định được con đường đi của tiến trình toàn cầu hóa.

     Như vậy, từ hai thách thức lớn nhất của tiến trình toàn cầu hóa, chúng ta có thể xác định con đường của toàn cầu hóa. Con đường của toàn cầu hóa bao gồm hai quá trình song song nhau, vừa hỗ trợ vừa tương tác lẫn nhau. Đó là quá trình kiến tạo tự do của từng quốc gia, song song với việc xây dựng thể chế dân chủ toàn cầu (kết nối tự do), hay còn gọi là tiến trình kiến tạo và kết nối tự do của con người.

     Thực hiện việc kiến tạo tự do, tức xây dựng thể chế dân chủ quốc gia có một điều cần nhấn mạnh. Trong số 150 quốc gia có thể chế dân chủ, thì chỉ có khoảng chưa đầy 30 quốc gia là có tự do cho người dân, còn 120 quốc gia chỉ có dân chủ trong tuyển cử. Đi sâu vào nghiên cứu, trong số 30 quốc gia thì duy nhất chỉ có Hoa Kỳ là có thể chế dân chủ bảo đảm tự do của con người xuất phát từ chính thể chế dân chủ mà họ thiết kế và xây dựng. Các quốc gia còn lại, các yếu tố tâm lý và văn hóa có ảnh hưởng quyết định (chứ không phải từ bản chất thể chế dân chủ quyết định). Chính vì vậy, thế giới ngày nay chưa xây dựng được một mô hình dân chủ chuẩn xác, có thể áp dụng cho mọi quốc gia mang lại tự do cho người dân. Có nhiều người cho rằng, không có mô hình chuẩn về xây dựng thể chế dân chủ áp dụng hiệu quả cho mọi quốc gia. Tuy nhiên, sự thực thì thế giới chưa tìm ra mô hình chuẩn, chứ không phải là không có. Một mô hình dân chủ chuẩn xác, đòi hỏi phải xác định được đúng định chế dân chủ cốt lõi (hạt nhân) trong nhiều định chế của thể chế dân chủ (ví dụ: hiến pháp dân chủ, tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng, ứng cử và bầu cử tự do, tản quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí..vv.). Từ định chế cốt lõi đó, cần xây dựng thể chế dân chủ xoay quanh và bảo đảm sự vận hành của định chế cốt lõi, sẽ là lời giải cho bài toán tự do của con người (mời tham khảo cuốn Dân Chủ, và các bài viết xung quanh vấn đề dân chủ của Nguyễn Vũ Bình).

     Vấn đề kết nối tự do, tức xây dựng thể chế dân chủ toàn cầu, đặt nền tảng trên sự tự do của con người ở từng quốc gia. Tuy nhiên, do hai quá trình đồng thời xảy ra, nên sẽ có sự tương tác giữa quá trình kiến tạo và kết nối tự do. Điều đó có nghĩa là, có những quốc gia vừa xây dựng thể chế dân chủ, vừa trong quá trình tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa, xây dựng thể chế dân chủ toàn cầu. Vì vậy, tiêu chí quyền con người trong tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc chính là quyền tự do cơ bản của con người trên phạm vi quốc gia cũng như toàn cầu, được xây dựng và thực thi bằng cùng một phương thức tổ chức xã hội (thể chế dân chủ) sẽ là con đường của toàn cầu hóa trong tương lai./.

Hà Nội, ngày 24/3/2016

Nguyễn Vũ Bình

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*